Trong khi nhiều trường học trên cả nước loay hoay dạy và học online khi dịch COVID-19 còn phức tạp, thầy và trò trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công lớp học trực tuyến.
Đón đầu “trường học thông minh”
Cách đây 1 tuần, trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức thành công đợt khảo sát kiến thức lớp 12 theo hình thức thi THPT quốc gia 2020. Đây là đợt khảo sát thứ 2 của nhà trường, trong khi kỳ thi khảo sát chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình bị huỷ. Điều đặc biệt hơn, trường đã triển khai dạy bài mới trên cổng học tập của một trang học trực tuyến khá thành công trong hơn 2 tháng qua, nhận được sự phối hợp nhịp nhàng của phụ huynh, học sinh, giáo viên.
Chú thích ảnh
Lớp học trực tuyến của trường THPT Nguyễn Huệ. Ảnh: Vũ Vân.
Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, cô Đoàn Kim Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau dịp 20/11/2019, tôi nhận công tác tại trường thì thấy tình trạng học sinh đi học thêm tràn lan rất nhiều. Sáng, chiều các em học ở trường, rồi toả đi các lớp học thêm. Lúc này tôi muốn ứng dụng đề án phát triển nhà trường mà mình đã ấp ủ bấy lâu. Nghĩa là xây dựng trường học không chỉ giảng dạy trên lớp kết hợp mạng trực tuyến. Đây cũng chính là chủ trương của ngành giáo dục khi khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Tại một hội nghị của Sở GD&ĐT Ninh Bình có giới thiệu trang học trực tuyến. Khi tìm hiểu, tôi thấy ứng dụng tốt. Tôi đã chia sẻ với phụ huynh, học sinh về thực trạng và giải pháp với trường học thông minh và được sự ủng hộ rất cao.
“Trường học thông minh” do đề xuất của cô Hiệu trưởng triển khai dạy 8 môn trắc nghiệm theo hình thức các môn thi THPT quốc gia. Tại đây, học sinh, giáo viên có tài khoản, có nguồn học liệu. Học sinh làm bài tập, kết quả được báo luôn tới giáo viên và giáo viên gửi đường link này tới phụ huynh. Hàng tuần có đề thi thử kiểm tra trình độ học sinh.
“Được sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh, trường mời chuyên gia về tập huấn và thí điểm ở vài lớp chọn. Sau Tết, học sinh phải nghỉ học vì dịch COVID-19, chúng tôi triển khai luôn hình thức này”, cô Đoàn Kim Dung nói.
Cô Đoàn Kim Dung cho biết: Hai tuần đầu tiên chúng tôi cho “chạy thử” bằng cách tập huấn giáo viên, để giáo viên, học sinh làm quen với hình thức này. Có những giáo viên sắp về hưu, từ chối tham gia vì “sợ công nghệ” nhưng tôi động viên và chủ động cắt cử giáo viên trẻ để hướng dẫn cùng. Cuối cùng, 100% giáo viên của trường chủ động với lớp học trực tuyến. Còn học sinh sau 2 tuần đầu chỉ ôn tập kiến thức, những tuần sau khi có quyết định nghỉ học trên cả nước, trường đã bắt đầu dạy bài mới.
Mới đầu ứng dụng học tập của trường chưa có lớp học trực tuyến, để tạo hiệu quả bài giảng, giáo viên trường THPT Nguyễn Huệ đã tự quay video bài giảng của tiết học để đưa lên nhóm cho học sinh xem. Hoặc chính giáo viên sưu tầm những video, bài giảng trên mạng, thẩm định trước thấy chất lượng tốt thì gửi để học sinh nghe để nắm bài trước. Lúc ấy, cả nước chưa dạy học qua truyền hình.
Nỗ lực từ nhiều phía
Để duy trì lớp học trực tuyến thành công như THPT Nguyễn Huệ hiện nay theo cô Đoàn Kim Dung là sự ủng hộ của phụ huynh và nỗ lực không ngừng của mỗi giáo viên. Từ không khí ấy, học sinh hào hứng tham gia học tập một cách hiệu quả. Trường THPT Nguyễn Huệ cũng là trường đầu tiên trên toàn tỉnh tổ chức thi thử trực tuyến thành công và đánh giá sát với năng lực học sinh.
Cô Vũ Thị Hồng Vân, giáo viên tiếng Anh, trường THPT Nguyễn Huệ cho biết: “Thời gian biểu học online đã được thiết kế phù hợp với giáo viên, học sinh. Cụ thể, buổi sáng, trường chia 2 ca. Ca 1 từ 7h30 phút đến 9 giờ. Giáo viên, học sinh nghỉ 30 phút và tiếp tục đến 11 giờ trưa. Ban Giám hiệu dự giờ đột xuất và khá thường xuyên. Mặt khác, để giám sát chất lượng học sinh, chúng tôi có bảng đánh giá như học chuyên cần, giơ tay phát biểu, đã làm bài chưa… ”.
Tuy nhiên, cô Đoàn Kim Dung cũng cân nhắc việc giảm thời lượng dạy cho giáo viên. Bởi với tiết học như hiện nay giáo viên nhà trường đang quá tải.
“Việc giảng dạy online thực sự vất vả. Giáo viên phải chuẩn bị giáo án online như làm Power Point, slide bài giảng, video, nội dung dạy đa dạng. Công sức bỏ ra gấp 2, 3 lần dạy bình thường. Nhưng có lẽ nhiệt huyết với nghề, nên càng thử thách giáo viên lại càng nỗ lực. Nhiều lần mạng internet không ổn định, không dạy được, nhiều giáo viên đã dạy bù vào buổi khác”, cô Đoàn Kim Dung chia sẻ.
Giải pháp của trường THPT Nguyễn Huệ trước những bất cập hiện nay là khi hoạt động dạy trực tuyến nhịp nhàng thì sẽ giảm giờ dạy từ 90 phút mỗi buổi xuống còn 60 phút. Để đảm bảo an ninh mạng trên lớp học những ngày gần đây, trường THPT Nguyễn Huệ đưa ra những quy định bảo mật lớp học như: Giáo viên phải duyệt các tài khoản vào lớp học. Yêu cầu học sinh khi đăng ký tài khoản học đúng tên, có ảnh, các thầy cô nhìn học sinh của mình mới được duyệt vào lớp. Yêu cầu phụ huynh, học sinh không cung cấp mật khẩu, đường link cho người lạ.
Cô Đoàn Kim Dung cũng cho biết: Để duy trì những lớp học trực tuyến rất cần các ngành liên quan hỗ trợ về tính bảo mật của ngành giáo dục nói riêng, cũng như hạ tầng băng thông thông suốt.
Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo về việc dạy và học trực tuyến trên truyền hình, dạy online… nhưng mang tính bao quát, định hướng.
Theo PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT thì các Sở GD&ĐT cần phải hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động các nhà trường. Các thầy cô giáo, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, sẽ phải xây dựng được kế hoạch dạy học rất cụ thể cho từng bài học.
“Để thành công là sự tự giác của học sinh cao hơn do không được quản lý trong cùng một không gian lớp học. Nên rất cần sự hỗ trợ tích cực các bậc phụ huynh, các gia đình”, PGS TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Có lẽ, với sự năng động của Hiệu trưởng, sự nỗ lực không ngừng của mỗi giáo viên, sự hưởng ứng của phụ huynh, học sinh đã tạo cho nền nếp và không khí học tập của trường THPT Nguyễn Huệ như hiện nay. Điểm sáng này đã thắp nên hy vọng về lớp học online, trường học thông minh – một giải pháp mà ngành giáo dục cần triển khai có hệ thống trong thời gian tới.
Lê Vân/ Báo Tin tức